Đọc tác phẩm dưới góc độ ký hiệu học[1]

Nguyễn Đức Dân

về trang chủ

1.    Thử đọc Chí Phèo[2]

1.1.   Mỗi tác phẩm văn học đều là một hiện tượng hết sức phức tạp. Nó liên quan và chịu sự tác động của cả một hệ thống những nhân tố đa dạng, đan chéo nhau, từ thẩm mỹ, tâm lý đến ngôn ngữ học, ký hiệu học… Vì thế, sẽ là không tưởng và siêu hình nếu như có ý định  xuất phát chỉ từ một góc độ thuần túy nào đó, coi như một chìa khóa vạn năng và duy nhất để tìm hiểu và phân tích một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, cần thiết đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu khả năng của từng phương pháp tiếp cận.

Trong phần này, thông qua truyện ngắn Chí Phèo, chúng tôi thử đi sâu phân tích cấu trúc một truyện ngắn dưới góc độ ký hiệu học, tìm ra chiều sâu của tác phẩm đó.

Trong một tác phẩm văn học, thường có thể tìm ra những đơn vị ký hiệu được lặp lại một cách có hệ thống, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, thể hiện sự phát triển lô gích nội tại của nó. Một khi những ký hiệu này được ngôn từ hóa thì người đọc có thể nhận thức được nội dung  ký hiệu  thông qua vỏ ngôn từ của nó, do đó có thể có những cách hiểu khác nhau về  chiều sâu hàm ý  trong một tác phẩm. Như vậy, cần phát hiện được bản chất nội dung của các từ ngữ – chuỗi các ký hiệu làm nên các yếu tố tạo nghĩa – trong một tác phẩm.

1.2.   Những cơn say

 Loạt ký hiệu được lặp đi lặp lại trong Chí Phèo là những cơn say triền miên, kế tiếp nhau của người cố nông này: “… hắn bao giờ cũng say. Những cơn say của hắn tràn từ cơn này sang cơn khác, thành một cơn dài mênh mông […]. Chưa bao giờ hắn tỉnh, và có lẽ chưa bao giờ hắn tỉnh táo  để nhớ rằng hắn có ở đời”.

Vậy say  một đặc điểm tiêu biểu – ít nhất cũng ở phương diện hình thức – của người cố nông Chí Phèo. Nam Cao đã dùng đặc điểm hình thức này để tạo nên bề mặt tác phẩm Chí Phèo. Hình thức phản ánh nội dung. Chiều sâu – cấu trúc chìm – của tác phẩm chính là ý nghĩa biểu trưng của hiện tượng say. Vậy cấu trúc nổi của truyện Chí Phèo là:

Mở đầu + SAY0 + SAY1 + SAY2 +… + SAYn +  Kết truyện

Có những yếu tố phụ làm nên sự khác biệt giữa các lần say. Chí  Phèo luôn luôn  say trên đường đi – biểu trưng cho đường đời  của Chí Phèo. Những yếu tố liên quan đến đường đi trong khi say – mục tiêu, mục đích của sự đi, diễn biến, kết quả và trạng thái sau khi say – làm nên sự khác biệt giữa những lần say, biểu hiện sự vận động lô gích biện chứng của tính cách và kết quả của cuộc đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối trong một con người, biểu hiện sự vận động và phát triển của cuộc sống.

Say trên đường đi biểu trưng cho điều gì? Dùng quan hệ đối lập, chúng ta thấy say đối lập với không say, tức là đối lập với  tỉnh. Vậy cặp đối lập này biểu trưng cho sự đối lập giữa trạng thái u mê về nhận thức  với  trạng thái tỉnh táo , có ánh sáng lý trí của nhận thức. Cho nên, chuỗi các ký hiệu “say trên đường đi  biểu trưng cho  “sự phát triển nhận thức trên đường đời – từ u mê tới tỉnh táo – của Chí Phèo. Sự biểu trưng này có thể được khái quát hóa, làm nên những tầng nghĩa khác nhau của tác phẩm.

Để chứng minh ý kiến trên, chúng ta tiến hành phân tích cụ thể các lần say.

Lần say đầu truyện – ký hiệu SAY0 – là một chi tiết giới thiệu đặc điểm nổi bật của Chí Phèo “Hắn vừa đi vừa chửi…”, là chiếc cầu đi vào các lần say khác.

Lần say thứ nhất – SAY1 . “Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa  đến  xế chiều. Rồi say khướt…”

Đường đi trong lần này là Chí “xách một vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến” với mục đích trả thù bằng cách gieo vạ “tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.” Trong cơn say, Chí Phèo nhận thức được kẻ thù. Nhưng diễn biến lại là  Bá Kiến “giết gà, mua rượu cho hắn uống, xong lại đãi thêm đồng bạc”. Kết quả là Chí Phèo thất bại vì đã từ bỏ mục đích của mình: Tỉnh ra, Chí thấy “vô cùng hả hê”. Kết quả của lần say này là lúc tỉnh ra lại hóa u mê về nhận thức.

            Lần say thứ hai – SAY2 . Sau khi ở tù về năm hôm, hắn lại say khướt và  đường đi là “ngật ngà ngật ngưỡng đi tới nhà Bá Kiến” với mục đích đòi nợ. Vẫn là Chí Phèo nhận thức được kẻ thù trong cơn say. Rơi vào bẫy Bá Kiến, Chí Phèo thực hiện hành động làm tay sai đầu tiên, đi đòi nợ đội Tảo, một địch thủ của Bá Kiến. Được chén rượu và mấy đồng bạc bố thí, Chí Phèo “vâng vâng dạ dạ ra về”. Một lần nữa, tỉnh ra Chí Phèo lại thất bại, lại từ bỏ mục đích đi đòi nợ của mình.

            So sánh hai lần say:

-         Đường đi giống nhau: Đều đi tới nhà kẻ thù.

-         Mục đích giống nhau, nhưng thấp dần: Trong lúc say vẫn có mục đích, nhưng từ mục đích giết Bá Kiến đã giảm xuống thành mục đích đòi nợ.

-         Diễn biến giống nhau: Đều bị lừa phỉnh. Lần say sau bị lừa phỉnh trầm trọng hơn lần trước.

-         Kết quả giống nhau:  Đều thất bại vì đều từ bỏ mục đích của mình. Có điều, lần thứ hai thất bại nặng nề hơn lần trước vì đã thực hiện hành động tay sai đầu tiên cho Bá Kiến.

-         Trạng thái tỉnh (sau khi say) giống nhau: U mê. Lần sau u mê hơn, vì thấy “mình cao hơn một bậc”.

Ý nghĩa biểu trưng. Qua các lần say trên đây, có thể khái quát như sau: 

Con đường đi đến kẻ thù là con đường tối, làm người ta u mê đi, tối tăm lại, cái mục đích chính đáng trong cuộc đời đã mất dần đi. Con người trở nên  cam  chịu với thân phận, thậm chí còn thỏa mãn một cách u mê, chìm sâu vào những cơn say u mê triền miên vô mục đích.

1.3.   Quá trình bừng tỉnh của Chí Phèo

             Truyện được tiếp tục một cách hợp lý bằng hai cơn say ở 15 năm sau, những cơn say biểu trưng cho sự thức  tỉnh trong nhận thức.

Lần say áp chót – SAYn-1.  Chí Phèo uống rượu với lão thày cúng Tự Lãng. Vì đã tắt ngấm mục đích trả thù Bá Kiến nên đường đi trong lần say này là đường trở về nhà mình. Đường đi này mang ý nghĩa  biểu trưng là “sự trở lại với chính mình”. Vì vậy, đó là con đường sáng -  con đường thức tỉnh -  của  Chí Phèo. Quá trình bừng tỉnh của Chí Phèo gồm 4 giai đoạn.

    1) Kích thích bản năng thú vật.

            Hiện tượng: Chí nhìn thị Nở lúc ngủ. “Chí Phèo vẫn say sưa nhìn và run run. Bỗng nhiên hắn rón rén lại gần thị Nở”.

2)     Khơi dậy bản năng Người.

Hiện tượng: Chí có quan hệ sinh lý với thị Nở.  Chí Phèo ốm.  Thị Nở dìu Chí vào nhà. Những gì thuộc về CON NGƯỜI bị lắng chìm vào sâu thẳm tiềm thức được đánh thức trở lại. “Hắn bâng khuâng và buồn”, mãi đến hôm ấy “hắn mới nghe thấy những tiếng quen thuộc của cuộc đời”.

3)     Yêu và bừng tỉnh ý thức làm người.

Hiện tượng: Nồi cháo hành – biểu trưng sự chăm sóc Chí Phèo của thị Nở.

Chí cảm động: “Lần này là lần thứ nhất hắn được người đàn bà cho”, “hắn thấy mắt hắn như ươn ướt”. Và Chí muốn trở lại cuộc đời lương thiện: “hắn thèm lương thiện, và hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”.

4)        Xã hội xô đẩy con người hoàn lương. Vụt  tắt hạnh phúc vừa chớm nở. Và bừng tỉnh nhận thức về kẻ thù.

Hiện tượng: Thị Nở nhắc lại lời bà cô miệt thị Chí Phèo. Chua xót, cay đắng  và Chí Phèo bế tắc. Nhưng phần tỉnh táo và tiềm thức giúp Chí xử sự đúng. Tuy miệng nói “phải đến nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó”, nhưng trong trái tim “hắn cứ thấy thoang thoảng mùi cháo hành”, nên trong lần say cuối Chí Phèo lại đến nhà Bá Kiến.

Lần say chót – SAYn. Say trong sự thức tỉnh nhận thức về kẻ thù. Chí Phèo đến Bá Kiến. Đối đáp sáng suốt với Bá Kiến. Chí đã thành công, đạt được mục đích cũ đã lãng quên là giết Bá Kiến để trả thù. Nhưng Chí Phèo bế tắc trước rào chắn nghiệt ngã của dư luận xã hội, nên đã tự kết liễu đời mình.

Như vậy, cấu trúc cơ bản của “Chí Phèo” là chuỗi những lần say. Chúng được phát triển một cách lô gích, chuyển từ cực này sang cực khác đối lập lại: từ u    sang thức tỉnh, từ cam chịu và thất bại sang phủ định (giết) và chiến thắng kẻ thù. Cấu trúc truyện này có thể tóm tắt thành sơ đồ.

1.4.   Cách đọc và chiều sâu một tác phẩm

Loại đơn vị  ký hiệu được lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt toàn bộ tác phẩm  có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp cận nội dung tác phẩm.  Cần phân biệt chúng với các hiện tượng trùng điệp đơn thuần, lặp lại y nguyên những ký hiệu nhất định là loại hiện tượng chủ yếu nhằm gây một tác động tâm lý, nhằm thu hút sự chú ý của người đọc vào những điểm, những hình ảnh, nội dung quan trọng cần nhấn mạnh nào đó.

Những ký hiệu lặp lại mà chúng ta quan tâm – chẳng hạn ký hiệu say trong “Chí Phèo” – là những sự lặp lại tương đối, vừa chứa sự giống nhau, vừa chứa những nét khác biệt. Chúng biểu hiện sự vận động, phát triển biện chứng của một tính cách thống nhất và là điểm nút tập trung nhiều mặt đối lập, và do đó biểu hiện những ý nghĩa sâu kín của tác phẩm.

      Nhận thức về chuỗi các ký hiệu lặp lại trong một tác phẩm có thể khác nhau, và do đó dẫn tới những cách hiểu tác phẩm, cách đánh giá khác nhau về chiều sâu của nó. Vì thế có thể gắn cho tác phẩm những tên gọi khác nhau.

Như cách phân tích của chúng ta, “say trên đường đi” là ký hiệu lặp lại xuyên suốt trong tác phẩm. Đường đi có biểu trưng là đường đời. Sự đối lập giữa các lần say đầu với các lần say cuối là sự đối lập giữa u mê và thức tỉnh trong chiều sâu của truyện này. Như vậy, chiều sâu của truyện này là đường đời của người cố nông, con đường phát triển tất yếu từ u mê, cam chịu sang nhận thức được kẻ thù, nhưng nhận ra sự vô nghĩa và bế tắc của mình. Để làm nổi bật chiều sâu này, chúng ta có thể đặt cho “Chí Phèo” một tên khác: “Con đường của người cố nông

Nhấn mạnh vào chuỗi ký hiệu lặp lại “Cái lò gạch – đứa con hoang (là Chí Phèo) – cái lò gạch – đứa con hoang (của thị Nở)”  là nhấn mạnh vào sự bế tắc của những người nông dân qua một chuỗi tù túng, quẩn quanh “ở làng, đi tù, về làng” của Năm Thọ, Binh Chức và Chí Phèo. Vì thế có thể đặt cho “Chí Phèo” như  chính  ý của Nam Cao  là “cái lò gạch cũ”, một tên gọi mà bề mặt mang màu sắc châm biếm, nhưng chiều sâu lại ứng với ý nghĩa xa xôi của truyện.

Khi nhà xuất bản nọ tự ý đổi tên truyện thành “Đôi lứa xứng đôi” thì không chỉ nhằm mục đích câu khách mà còn thể hiện cách nhìn lệch lạc, hướng theo một cặp đối lập phụ, rất thứ yếu của tác phẩm. Đó là sự đối lập giữa hai hạng người dưới đáy xã hội – Chí Phèo và thị Nở. Theo cách hiểu này, tác phẩm chỉ mang màu sắc châm biếm. Tài rạch mặt ăn vạ, đâm chém của Chí Phèo xứng đôi với nhan sắc ma chê quỷ hờn của thị Nở.

Ngoài hệ thống ký hiệu lặp đi lặp lại xuyên suốt toàn tác phẩm, còn có những ký hiệu lặp lại trong từng bộ phận, tạo ra những ý nghĩa bổ sung cho tác phẩm.

Trong “Chí Phèo” có ba nhân vật bị đè nén, áp bức là Năm Thọ, Binh Chức và Chí Phèo. Họ có một đoạn đời giống nhau là “ở làng, đi tù, trở về làng, ra đi”. Chuỗi ký hiệu này biểu trưng cho con đường quẩn quanh không lối thoát của người nông dân, con đường bị bần cùng hóa và lưu manh hóa. Có điều, Năm Thọ và Binh Chức đều bị tha hóa và chìm đi trong xã hội phũ phàng – Năm Thọ bỏ đi biệt tăm, Binh Chức “ra đi” theo kiểu cam chết bệnh tật – còn Chí Phèo vươn tới sự bừng tỉnh và có hành động phản kháng lại cái thế lực đang chà đạp lên mình. Chính nét khác biệt này đã tạo ra ý nghĩa bổ sung của truyện:  Chí Phèo là sự phát triển tích cực nhất, triệt để nhất, điển hình nhất của những người nông dân bị áp bức.

Một tác phẩm có thể có nhiều tầng nghĩa khác nhau. Ở “Chí Phèo”, trong hầu hết các lần say, khi tỉnh say Chí Phèo luôn luôn thỏa mãn với thân phận của mình, thấy mình “oai hơn một bậc”. Nghĩa là lúc tỉnh thì Chí lại rất u mê, không nhận thức được mình cũng như nhận thức được xã hội. Tình cảnh này đâu chỉ có ở người cố nông Chí Phèo. Biết bao người đang sống, nghĩa là đang tỉnh, nhưng cũng rất u mê, lầm lạc, luôn luôn ảo tưởng hão huyền về tương lai, hạnh phúc, về giá trị của mình. Lần say cuối cùng, khi tỉnh thật sự mới thấy bế tắc, thấy sự vô nghĩa của quãng đời đã qua, của cái thời đã qua. Vậy “Chí Phèo” có một tầm khái quát cao hơn, một tầng nghĩa chìm sâu xa hơn. Chúng ta cấp cho truyện một tên gọi mới: “Bi kịch cuộc sống

          2.  Hoàng tử bé[3] – những chuyến đi tìm ý nghĩa cuộc đời

2.1    Giống Chí Phèo, Hoàng tử Bé cũng là câu chuyện của những chuyến đi tìm bạn trong đường đời của chú bé Hoàng tử. Những chuyến đi này biểu trưng cho quá trình nhận thức về ý nghĩa đích thực trong cuộc đời người.

Mỗi chuyến đi đều có điểm dừng - những đích đến là những hành tinh do một người ngự trị biểu trưng cho một hạng người trong xã hội. Những đích đó là: 1) ông vua; 2) một người hợm hĩnh; 3) một kẻ ăn nhậu; 4) một thương nhân; 5) hành tinh kỳ lạ, chỉ đủ chỗ cho một cột đèn và một người thắp đèn; 6) nhà địa lý; 7) trái đất; 8) sự trở về.

Mỗi chuyến đi đều có cùng mục đích, diễn biến kết quả biểu trưng cho quá trình tìm kiếm mục đích và ý nghĩa cuộc đời.

Mục đích: do buồn bã, thất vọng với bông hồng, nên đã chạy đi tìm một người bạn thực sự – biểu  trưng cho những  tìm kiếm hạnh phúc.

Diễn biến: trò chuyện với những ai đã gặp. Hỏi rất nhiều. Những câu trả lời làm đối tượng tự bộc lộ bản chất.

Kết quả về nhận thức: Hoàng tử bé  nhận ra nhiều điều kỳ lạ ở người lớn (với mức độ tăng dần: lạ - kỳ lạ - rất kỳ lạ - hoàn toàn khác thường): không ai nhận thức rõ mục đích công việc mình làm.

Những gì gặp trong chuyến đi giúp Hoàng tử bé hình thành quá trình nhận thức ý nghĩa lớn lao nhất trong cuộc đời  người. Mỗi đối tượng đã gặp đều biểu trưng cho một điều gì đó.

-  nhà vua biểu trưng cho quyền lực “Tuyệt Đối Chuyên Chế Chí Tôn”. “Mọi người trong thế gian đều là con dân trăm họ của một đấng Con Trời”. Nhà vua chỉ có ra lệnh. “Uy quyền của mình phải được thiên hạ tôn trọng.” Hoàng tử bé là con dân nghe nhiều lệnh kỳ cục khiến thấy “chán ngán buồn tình và ngáp” và muốn xin đi.

- kẻ thích khoe khoang biểu trưng cho hạng quan VIP muốn được sùng bái, “thiên hạ gồm toàn những kẻ thán phục mình”, “tung hô ca ngợi mình”, “bao giờ cũng chỉ có nghe ra duy cái tiếng tung hô tụng niệm ngợi ca thôi” và khuyên Hoàng tử bé “Hãy vỗ hai bàn tay vào nhau cho lốp đốp đi”…

- con rắn: 1) biểu trưng sự thông tuệ; 2) biểu trưng vòng tuần hoàn sinh tử của kiếp người (rắn lột da để tiếp tục cuộc sống: rắn già rắn lột), nó nói những điều kỳ lạ và kết thúc tất cả để đưa hoàng tử bé trở về vì sao của mình – biểu trưng cho sự trở về với chính mình.

- những ngọn núi cao: biểu trưng cho thiên nhiên kỳ vĩ, chứ không như ba ngọn núi ở quê hương Hoàng tử bé chỉ cao tới đầu gối và không có âm thanh vang vọng.

- những khu vườn đầy hoa hồng: biểu trưng cho cuộc đời nhiều màu sắc phong phú, nhưng bông hoa duy nhất mà Hoàng tử bé chăm sóc, biểu trưng chính mình, cái chính mình mới là quan trọng nhất.

- con cáo: một biểu trưng khác của trí thông minh, nó cho Hoàng tử bé món quà quý giá là cái nhìn cuộc đời.

- nộc độc con rắn khiến Hoàng tử bé gần như chết đi và nhờ vậy trở về lại hành tinh B612 cội nguồn. Đây là một ẩn dụ: chết là hành trình trở về cội nguồn, nơi Hoàng tử bé sinh ra – biểu trưng cho chuyến đi. Đó là “một cõi đi về” (Trịnh Công Sơn).

2.2.   Thủ pháp xây dựng truyện: tạo cặp đối lập trẻ con/người lớn

2.2.1.   Sự đối lập lớn nhất giữa trẻ conngười lớn là sự đối lập giữa con người bản nguyên con người bị thế giới nhiều toan tính chi phối, bị khô cằn đi trong cuộc sống đầy tham vọng nhưng vô nghĩa. “Người lớn chẳng bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả” nhưng lại rất hài lòng nghe những chuyện phù phiếm “cách đánh bài, đánh cầu, về chính trị, về những màu cà-vát, những lối thắt “nơ”…Nó biểu trưng cho những nghịch lí, những  bất cập của thế giới mà chúng ta đang sống. Nhà thiên văn Thổ Nhĩ kỳ báo cáo mình đã phát hiện ra hành tinh B612 trong bộ đồ truyền thống thì chẳng ai tin. Ba năm sau ông trình bày lại phát hiện của mình trong bộ cánh thời thượng thì người ta lại tin ông sái cổ. Sự kiện này có biểu trưng xã hội của “người lớn” là xã hội trọng hình thức, nhìn nhận, đánh giá con người theo bề ngoài.

2.2.2. Sự đối lập đáng chú ý thứ hai giữa người lớn trẻ con là người lớn thì “chả đuổi theo cái gì (bản chất) hết”, “chỉ có trẻ con mới biết được chúng tìm cái gì”.

Hoàng tử bé đi tìm kiếm hạnh phúc và sự thanh thản trong tâm hồn. Còn người lớn ai cũng đeo đuổi một điều vô nghĩa nào đó: ông vua đi tìm quyền lực; người hợm hĩnh, gã khoe khoang tìm danh vọng, muốn được người khác ngưỡng mộ, sùng bái; thương nhân – người sở hữu những ngôi sao thì tìm tiền bạc; người thắp đèn – công chức mẫn cán là những người máy không suy nghĩ, luôn luôn phục tùng vô điều kiện; nhà địa lí biểu trưng cho nhà khoa học làm khoa học nhưng xa rời cuộc sống, ghi các hành tinh và núi lửa nhưng lại bỏ qua những bông hoa đẹp nhất; người lái tàu biểu trưng lối sống hối hả không mục đích, vội vã mà không biết đi về đâu; người nghiện rượu suốt ngày ăn nhậu biểu trưng cuộc sống luẩn quẩn, bế tắc khiến chú bé hoang mang “người lớn sao mà kỳ cục thế”: - Ngài làm chi đó?/ - Ta nhậu nhậu ta./ - Vì sao ngài nhậu?/ - Để ta quên / - Để quên cái chi?/ - Để quên đi niềm thị phi xấu hổ./ - Xấu hổ cái chi?/-xấu hổ cái nhậu…

      2.2.3. Trẻ con trong sáng có trí tưởng tượng phong phú còn người lớn thì cằn cỗi dường như quên mất mình từng là trẻ con: Trẻ con vẽ những bức tranh có con trăn đang ăn thịt một con voi, người lớn bảo rằng “một cái mũ thì có gì đáng sợ?” Trẻ con vẽ con trăn bụng mở thì người lớn lại khuyên nên tập trung vào học địa lí, lịch sử, làm tính và ngữ pháp.

     2.2.4. Trẻ con đối lập với người lớn cũng chính là đối lập giữa bông hoa hồng và  những cây cẩm quỳ khổng lồ “làm đất đai tinh cầu bị nhiễm độc…nếu đối phó muộn màng một chút thôi thì không còn mong chi trừ khử được nó nữa” – biểu trưng cho sự đối lập giữa cái đẹp  với cái ác – có thể phá tan cuộc sống hạnh phúc mong manh. 

Tất cả những hạng người trong xã hội đó cũng lại biểu trưng cho muôn mặt đời thường trong mỗi con người chúng ta.

Hoàng tử bé đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời cuối cùng lại trở về với hành tinh của mình. Triết lý của truyện Hoàng tử bé điều ta tìm kiếm luôn luôn ở quanh ta.

 

 

3.   Những đích đến trong đường đời

Dưới đây là một Câu Chuyện đã xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2008, đã được đưa lên BBC & CNN… Chuyện này hoàn toàn có thể gặp ở Việt Nam. Những ký hiệu biểu trưng qua các tình huống ngôn từ hiện ra rất rõ. (Hoàng Hưng dịch từ http://profiles.google.com/111148909356582460306/buzz/1waQHD5e3XE)

“Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi.

Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập thậm tệ. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai ho he. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi xuống bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục cuộc hành trình…

“Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.

Người đàn ông sững sờ: “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”

“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười.

Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng mình cũng không nên bị đối xử như thế. Ông từ chối xuống xe và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”

Cô lái xe nhăn mặt: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn tảng lờ hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe. Họ nói: “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”

Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe. Ba tên du côn cười. Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy khỏi xe.

Chiếc xe bus lại tiếp tục hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.  Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía bên phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng và nước mắt trào ra.

Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”

Cô lái xe chẳng nói năng gì. Tốc độ xe ngày một tăng. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus đã lao xuống vực.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng Phục Hổ Sơn. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Người đàn ông đã bị cô lái xe đuổi xuống đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc! Bạn có biết vì sao ông ta khóc?”

 

Tóm tắt

Bài giới thiệu cách đọc hai truyện ngắn Chí Phèo Hoàng tử bé (Le Petit Prince) dưới góc độ ký hiệu học. Chuỗi các ký hiệu-từ ngữ, đặc biệt là những cặp đối lập, lặp đi lặp lại biểu trưng ý nghĩa của tác phẩm. Ở Chí Phèo là chuỗi say/tỉnh, ở Hoàng tử bé là chuỗi  trẻ con/người lớn, là sự đối lập giữa con người bản nguyên con người bị thế giới chi phối, nhiều toan tính đầy tham vọng nhưng vô nghĩa, luôn luôn xuất hiện trên đường đi – đường đời của mỗi nhân vật. Chí Phèo chúng biểu trưng cho sự phát triển vô thức từ u mê tới có ánh sáng lý trí, ở Hoàng tử bé là một quá trình tìm kiếm có ý thức về ý nghĩa đích thực trong cuộc đời, rốt cuộc điều ta tìm kiếm luôn luôn ở quanh ta.

Cấu trúc của Chí PhèoHoàng tử bé là:

Mở đầu + SAY0 + SAY1 + SAY2 +… + SAYn +  Kết truyện: bi kịch cuộc sống

Mở đầu + TÌM KIẾM0 + TÌM KIẾM1 + TÌM KIẾM2 +… + TÌM KIẾMn +  Kết truyện: trở về với chính mình

 Câu chuyện từ một bản tin cũng có thể tìm thấy ý nghĩa biểu trưng: chuyến xe – đích đến của đường đời.

Từ khóa: ký hiệu, biểu trưng, đường đi, cặp đối lập, say/tỉnh, trẻ con/người lớn

 

Summary

This paper interprets Chí Phèo and Le Petit Prince from a semiotics point of view. A series of word-symbol, especially the contrary pair, are repeated multiple times to express the meaning of both stories.  In Chí Phèo, it is the pair of conscious/drunk. This is to show the contrast between an innocent man [conscious] and a “convoluted” man who has become calculative and interested in pursuing meaningless desires [drunk]. These desires appear in every path he takes which also symbolizes his life. It also symbolizes for the subconscious development from the lack-of-awareness to recognition. In Le Petit Prince, it is the pair of child/adult. This symbolizes a conscious quest for the real meaning of life, just to realize that it is all around us.

The structure of Chí Phèo is: “Introduction + DRUNK0 + DRUNK1 + DRUNK2 +… + DRUNKn The End: the life ended in tragedy”

The structure of Le Petit Prince is: “Introduction + SEARCHING1 + SEARCHING2 + SEARCHING3 +… + SEARCHINGn + The End: Life’s meanging is all around us”

The story from a newspaper also illustrates the symbolic meaning: the bus journey – the destination of our life.

Key words: sign, symbolize, path, contrary pair, drunk/conscious, child/adult

 

 



[1] Bài đã đăng trong tp chí Ngôn ng số 11. 2015 (trang 3 – 11)

[2] Phần này mở rộng bài đã đăng trong Kiến thức ngày nay, số 44 (tháng 9.1990)

[3] Le Petit Prince của Antoine de Saint-Exupéry, Bùi Giáng dịch, tái bản lần thứ VI, nxb Văn hóa văn nghệ, 2013